Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

LÒNG THAM


     Hình như con người sống trong xã hội không ai là không có lòng tham. Từ khi còn là đứa bé chưa biết gì cũng đã biểu hiện lòng tham của nó: tham ăn, tham được mẹ vỗ về ôm ấp. Khi lớn lên lòng tham ấy cũng phát triển theo. Có người tham về tiền tài vật chất, người tham về địa vị xã hội,... Nói chung con người đều muốn chứng tỏ khả năng của mình trên một lĩnh vực nào đó mà mình cảm thấy đó là thế mạnh của mình, và muốn chứng tỏ là hơn người.

    Khi đua chen nhau trong xã hội, tự thấy mình không đủ khả năng vượt qua người khác thì họ sẽ tìm một hướng đi khác ít người tìm đến hoặc nhiều người tìm nhưng ít ai nhận ra được lòng ham muốn của họ. Những tưởng là những người đó đã dứt bỏ được thất tình lục dục của đời thường tìm đến cửa Phật tu tâm tích đức. Nhưng tích đức để làm gì? Là cầu mong cho con cháu đời sau được hanh thông, bản thân người tích đức được nhiều khi về với ông bà sẽ được lên thiên đàng, thành Thần, Thánh, Tiên, Phật,... được mọi người trên trần gian tôn sùng lễ bái quanh năm. Như vậy thì những người đó có thật sự quên đi lòng tham của họ chưa hay là lòng tham của họ đã được nâng cấp lên thành nhiều bậc nữa? Chưa kể nếu hiện tại có được một chức vị khiêm tốn thôi trong chỗ mình tu luyện là đã có được bổng lộc, quyền hành trong việc hành đạo, làm phước (?) của mình!
    Như vậy thì ai là người có lòng tham " cao cả" nhất?
    Tôi thành thật xin lỗi những ai mà qua bài viết này cảm thấy bất bình với cách nghĩ của tôi. Tôi không dám xúc phạm đến những bậc chân tu. Nhưng đối với các bậc chân tu thì điều này không mang một ý nghĩa gì.
    Bình thường bất cứ sự việc gì nó đều có hai mặt. Lòng tham con người cũng thế nó cũng có hai mặt là tích cực và tiêu cực.
    Nếu nhìn ở mặt tích cực thì lòng tham nó là động lực giúp cho xã hội phát triển. Con người luôn có tham vọng muốn cho cuộc sống của mình được sung sướng hơn, được đầy đủ hơn, ăn được ngon hơn, mặc được đẹp hơn,... Và cũng nhờ những tham vọng đó mà con người nghiên cứu phát hiện những kiến thức khoa học phục vụ cho sự phát triển của nhân loại. Xã hội ngày một văn minh, khoa học kỹ thuật ngày một hiện đại giúp cho con người đở phải vất vả lao động chân tay và cả một phần lao động trí óc vì đã có máy móc thực hiện thay cho con người.
   Nhờ có lòng tham mà xã hội con người ngày nay đã phát triển. Con người ngày càng đẹp hơn, sung sướng hơn, nắm bắt thông tin của nhau nhanh hơn và nhất là con người không còn vất vả lao động cực nhọc như lúc sơ khai.
   Vậy ta phải cám ơn lòng tham của con người chứ! Và ta cũng cần phải củng cố lòng tham của ta nữa để cuộc sống của ta ngày một nâng cao.
   Khi một vấn đề nào mà ta nói đến tích cực không vẫn chưa đủ. Phải nhìn đến mặt tiêu cực của nó nữa chứ và từ đó ta xem xét cái nào có lợi hơn?
  Lòng tham của con người xét về mặt tích cực nó kích thích làm cho xã hội ngày càng phát triển và con người ngày một văn minh, hiện đại. Nhưng cũng chính vì sự phát triển của xã hội mà tình cảm con người hình như bị mất đi do sự ganh ghét lẫn nhau vì người này có điều kiện sống tốt hơn, có được nhiều tình cảm của mọi người hơn,... đối với một số người khác. Và cũng chính lòng tham đã giục con người bày ra đủ trò để giành lấy cho mình phần nhiều hơn người khác dù rằng năng lực mình không có, không đủ sức để có được như người.
   Từ đó nảy sinh ra biết bao nhiêu cảnh trong xã hội, có người không từ một thủ đoạn đê tiện nào để chiếm bằng được tham vọng của mình. Báo chí hàng ngày đưa tin đây đó nào chuyện cướp bóc, ô dù, chạy chức, chạy quyền, chạy án,... . Khi nhờ vả thì lòn cúi, nịnh hót, bợ đở. Khi được việc rồi thì phá bỏ, chê bai, bài xích,... . Ai cũng biết thế nhưng có mấy ai tránh khỏi trò đời của xã hội do con người bày ra?
   Lòng tham của con người không có lổi gì trong cuộc sống của mỗi người. Mà chính con người đã đặt lòng tham của mình vào những mục đích không trong sáng rồi từ đó lòng tham bị lên án là xấu xa, không nhân tính,... . Và lại trân trọng lòng tốt của con người. Nhưng lòng tốt có thực sự giúp cho con người tốt hơn không?
  Ta thực sự công bằng chưa khi nhận định về một góc của tính cách con người?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét