Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

BIỆN PHÁP NÀO?...

         Mình thật sự "sốc" khi sáng qua họp Hội đồng kỷ luật để xử lý việc các em học sinh đánh nhau, vì các em này là những em từ ngày vào trường đến giờ đều là những em ngoan, hiền, có đạo đức, học lực khá giỏi cả. và đa số đều là cán bộ lớp, từng là thành viên của BCH Liên đội của trường

          Sự việc chẳng có gì, lúc đầu chỉ là chọc ghẹo qua lại, sau đó dẫn đến mâu thuẩn và điểm đỉnh là đón đường đánh nhau, hăm doạ nhau.
          Phụ huynh lúc đầu ai cũng cho con em mình là đúng, nhưng sau khi làm việc đã thấy rõ sai trái của các em nên đồng ý với cách xử lý của Hội đồng kỷ luật là phê bình các em dưới sân cờ để làm gương cho các em khác. Vậy mà khi báo cho Hội đồng Giáo dục xã biết tình hình học sinh trong trường và cách xử lý của nhà trường thì đại diện HĐGD xã còn muốn các thầy cô tìm cách nào nhẹ hơn để xử lý các em vì sợ khi phê bình dưới sân cờ như thế các em sẽ mắc cỡ và bỏ học (?). Trong khi đó khi nhà trường phân tích thì các em đã tự nhận hình thức kỷ luật là hạ bậc đạo đức tức là kỷ luật còn nặng hơn nữa.
          Mình không hiểu nổi tại sao lại có người suy nghĩ như thế? Một việc làm sai trái mà không cho phê bình thì làm sao giáo dục được các em, trong khi nhà trường phải dạy dỗ hàng trăm em học sinh chứ đâu phải chỉ có năm ba em vi phạm. Và ai cũng biết là "phòng bệnh hơn chữa bệnh", việc sai trái cần chỉ rõ ra để người vi phạm biết mà sửa và người chưa vi phạm biết mà tránh.
          Trong việc này các em đã ý thức được việc làm của mình là sai, phụ huynh thống nhất cách xử lý của trường, nhưng người có trách nhiệm ở địa phương lại không muốn ủng hộ.( vì trong các em vi phạm trên có con em của vị này) Như vậy nhà trường làm sao thực hiện hết chức năng giáo dục toàn diện cho các em như Điều lệ nhà trường phổ thông? Và có phải là các thầy cô giáo sẽ thật sự " bó tay" trước học trò của mình mà không có được biện pháp nào giáo dục khi các em chưa ngoan, chưa chăm chỉ học tập ngoài việc chỉ "năn nỉ" các em học và ngoan dùm cho thầy cô hay sao?
          Mình thấy các em thật ra không có lổi gì trong việc vi phạm các hành vi đạo đức, vì tuổi của các em còn bé, suy nghĩ chưa chính chắn, hành vi còn bộc phát nhất thời. Trách nhiệm của những người lớn bên cạnh các em là giúp các em hiểu được việc làm của mình đúng sai thế nào và có cách hành xử phù hợp hơn. Nhưng vì bênh con,sợ mất thể diện hay vì một lý do nào khác mà họ đã làm cho con em họ mù quáng, thiếu nhận thức, dẫn đến những thiếu niên phạm tội ngày một nhiều trong xã hội. Đến mức này thì hối hận có còn kịp nữa không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét