Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

VIẾT CHO MẸ


Mẹ ơi! Các bạn con đang ganh tỵ với con đó! Vì sao mẹ biết không? Chỉ vì con là con của mẹ.
Từ lâu, chúng nó cho rằng mẹ đã nâng đở con, giúp con trong mọi lĩnh vực. Mà cũng phải thôi, vì chúng làm sao có được người mẹ như mẹ của con. Không phải những bà mẹ kia không biết thương con, không biết lo cho con. Nhưng cách lo đó không giống như mẹ. Về vật chất, có lẽ mẹ con mình không bằng ai vì nhà mình vừa đông người lại không ruộng đất, chỉ mẹ là cô giáo đi dạy mà phải nuôi cha của con bệnh mất sức lao động và một đàn con chỉ biết ăn học.

Nhớ ngày đó sau mỗi buổi ở trường về, mẹ lại gồng gánh đi bán từng cái củ, bó rau khắp xóm để kiếm thêm tiền cho con mua tập học. Ở nhà dù không lao động nặng nhọc được nhưng cha vẫn gắng cuốc đất trồng khoai, trồng rau, chị em con thì tưới rau, nhổ cỏ để sau mỗi buổi học có cái cho mẹ bán. Những buổi tối bên ngọn đèn dầu leo lét, mặc cho muỗi vo ve mẹ vẫn thức thật khuya nhẹ nhàng  chuẩn bị cho buổi đi bán ngày mai xong thì quay ra soạn bài để sáng mai lên lớp không dám gây ra  tiếng động sợ chồng con thức giấc
Dù gian khổ thế nào nhưng mẹ vẫn không cho con mình nghỉ học. Động viên con ráng sức học tập. “Nhà mình nghèo, chỉ có việc học mới có thể giúp cho tương lai các con sau này sáng lạn hơn. Muốn thoát nghèo các con phải ra sức học cho tốt.” Mỗi khi có đứa nào chán nản mẹ lại dỗ dành động viên. Hết 12 năm học phổ thông ở gần nhà. Lần lượt các con đi vào chuyên nghiệp. Cha mẹ lại oằn vai ra nuôi dưỡng. Cha bệnh không dám đi điều trị ở bệnh viện vì sợ chi phí cao thiếu tiền cho con đi học. Rất may mắn là cha mẹ giáo dục cho các con truyền thống gia đình Chị ngã em nâng, đứa lớn có trách nhiệm với đứa nhỏ. Đứa đã làm ra tiền thì giúp cha mẹ nuôi em tiếp tục đi học. Cứ thế, gia đình ta hơn ba mươi năm vất vả có nhau các con của cha mẹ đã lần lượt tốt nghiệp đại học, ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Nếu chỉ như vậy thôi cũng chưa đáng ganh tỵ đâu mẹ. Chúng ganh tỵ vì gia đình mình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười dù cho trong lúc nghèo khổ hay giờ đã tương đối khá hơn ngày trước. Chúng ganh tỵ vì hàng tuần dù ở xa mà chị em vẫn họp mặt bên nhau bên cạnh cha mẹ. Chúng ganh tỵ vì mỗi khi một đứa trong chúng con có việc gì thì tất cả chị em đều quan tâm lo lắng. Chúng ganh tỵ vì khi đến nhà ta không thể phân biệt được ai là con, ai là dâu, là rể. Nhất là khi cha đã đi xa mà tình thân thiết trong gia đình ta lại càng gắng bó hơn lên. Và đến giờ đã truyền sang đến đời sau, con cái của chúng con cũng thương yêu nhau, quan tâm chăm sóc cho nhau, chưa từng xảy ra giận dỗi to tiếng với nhau.
Trong những lần kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhìn mẹ ngồi ở hàng giáo viên đã nghỉ hưu con lại thấy mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng là con của mẹ, để đến ngày nghỉ hưu con cũng được như mẹ vì trong nghề nghiệp mẹ luôn truyền cho chúng con sự tự tin, hết lòng vì công việc, xem học sinh như con em của mình. Chính vì vậy mà học sinh của mẹ luôn xem mẹ như người mẹ thứ hai dù mẹ đã nghỉ hưu trên hai mươi năm rồi.
Con luôn hãnh diện vì được làm con của mẹ, mẹ ơi!
Thép Rỉ
Kính chúc cô Bảy luôn khỏe mạnh để vui sống cùng các con cháu.
Tuyet Khanh
Cám ơn anh đã chia sẻ với em. Mẹ em còn khỏe lắm, lúc nào cũng nhắc đến các anh ngày xưa đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét